News Truoctrandau: Thủ môn Ngô Hoàng Kiệt: Dập tắt đam mê vì rượt đuổi trọng tài

tiensinh95

Thành viên
Nhắc đến cái tên thủ môn Ngô Hoàng Kiệt người hâm mộ không bao giờ quên được câu chuyện của 20 năm về trước, trong trận Vĩnh Long gặp Đồng Tháp khi anh tham gia “màn rượt đuổi” trọng tài chạy zích zắc đi vào lịch sử.

Cái ngày ấy rất dễ nhớ, chiều 8/3/2000 trên sân Vĩnh Long, mở đầu lượt về khi hai đội bóng láng giềng gặp nhau tại Giải Bóng đá vô địch quốc gia 1999-2000. Trận đấu diễn ra bình thường với tỷ số hòa 1-1. Tới khi trọng tài cho 3 phút bù giờ, thì đến phút 90+4, trong một pha tấn công của đội khách Đồng Tháp hậu vệ Trần Công Minh chuyền bóng bổng dài xuống bên phần sân đội Vĩnh Long, để tiền đạo Huỳnh Quốc Cường lao xuống đánh đầu chuyền bóng cho “mũi tên đen” Trịnh Tấn Thành lao nhanh vào vòng cấm như cơn lốc. Khi ấy thủ môn Ngô Hoàng Kiệt (Vĩnh Long) lao ra cản phá đã va chạm với tiền đạo có đôi chân như cao su này trong vòng 16m50. Không ngần ngại trọng tài Trương Thế Toàn đã chỉ tay vào chấm 11m.

Cho rằng tình huống va chạm là 50-50 và mình không cố tình phạm lỗi, thủ môn Ngô Hoàng Kiệt cùng đội Vĩnh Long đã quây phản ứng trọng tài. Những cái đầu nóng của Vĩnh Long khi đó có hậu vệ Trương Thảo Sơn, thủ môn Ngô Hoàng Kiệt, cùng thủ môn dự bị Phạm Văn Đại và 2 nhân viên làm nhiệm vụ trên sân (Phạm Văn Lộc, Nguyễn Hữu Tâm) đã cùng lao theo vị vua sân cỏ này nhằm hành hung. Tuy nhiên, ý định đó cũng không thể thành hiện thực khi trọng tài Trương Thế Toàn đã cảnh giác và có những cú nước rút cùng bước chạy zích zắc để thoát khỏi sự rượt đuổi của các cầu thủ chủ nhà. Cũng nhờ sự “thoát hiểm” ngoạn mục khi những bước chạy rất nhanh và lực lượng an ninh, Ban Huấn luyện đội bóng đã kịp thời chặn lại nên an toàn cho trọng tài đã đảm bảo.

Sau sự cố trên, các cầu thủ Vĩnh Long tiếp tục phản đối không thi đấu hơn 1 giờ đồng hồ, để rồi trận đấu buộc phải dừng lại với tỷ số 1-1. Sự việc trên, suýt làm lớn chuyện, ngay trong cuộc họp sáng hôm sau, chính ông Trần Quốc Bình (lúc đó là Giám đốc Sở TDTT tỉnh Vĩnh Long) chỉ trích trọng tài điều khiển trận đấu có nhiều tình huống làm ảnh hưởng đến đội nhà và cho bù giờ quá thời gian như đã thông báo, vung tay làm vỡ ly nước trên bàn,...

Ngay sau đó, Ban kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã họp khẩn và quyết định loại đội bóng vùng Đồng bằng sông Cửu Long này: Xóa thành tích từ đầu giải, loại ra khỏi giải và không được thi đấu tiếp tại vòng 2 Cúp Quốc gia. Ngoài ra, còn nhận thêm án kỷ luật “Cấm đội bóng đá Vĩnh Long thi đấu 2 mùa giải tiếp theo và xuống hạng Nhì quốc gia 2003, cùng với treo giò 2 năm 3 cầu thủ: Ngô Hoàng Kiệt, Phạm Văn Đại và Trương Thảo Sơn.

Ám ảnh khiến nghỉ việc

Xem thêm: https://truoctrandau.com/nhan-dinh-jeju-united-vs-seoul-e-land-11h30-ngay-09-05
Gặp lại Ngô Hoàng Kiệt, anh tâm sự: “Qua sự cố đó, một số cầu thủ đã giã từ sân cỏ, tôi cũng không ngoại lệ, không thoát khỏi ý định bỏ hết niềm đam mê quả bóng tròn. Tuy nhiên lãnh đạo ngành TDTT tỉnh đã động viên và giữ tôi lại, nhận tôi làm công tác huấn luyện thủ môn trẻ của tỉnh Vĩnh Long. Thời điểm này thời gian đối với tôi trôi qua thật chậm, chuyện không cần nhớ tôi vẫn nhớ rõ mồn một, ám ảnh tôi suốt 1 năm sau. Nhất là những hình ảnh xảy ra sự cố rượt đuổi trọng tài cứ thường xuyên hiện ra trong những giấc mơ, thoắt ẩn, thoắt hiện, làm tôi rất buồn vì thế tôi đã xin nghỉ việc”.



Thật tiếc cho Hoàng Kiệt khi anh phải chấm dứt sự nghiệp theo một cách không hay ho vì sự nông nổi thiếu kiềm chế của mình. Sự nghiệp của Ngô Hoàng Kiệt (sinh năm 1967) trước đó cũng lận đận “ba chìm bảy nổi” với khởi xuất là chơi bóng chuyền do tầm vóc khá cao (1m75) rồi bất ngờ bị mấy bạn cùng trang lứa “bắt” xuống làm thủ môn. Rồi từ đó, anh trở thành người giữ gôn cho Đội Quản lý & Kỹ thuật Đường sông- chi nhánh Sông Tiền (gần nhà anh).

Không qua đào tạo ở trường lớp năng khiếu nhưng nhờ bắt bóng gan lì, ra vào dứt khoát, nhanh nhẹn nên ban đầu anh được giới thiệu cho đội Đồng Tháp và được đồng ý, hẹn đến Cao Lãnh gặp mặt. Nhưng hai hôm sau ông anh rễ Lương Trung Dân lúc đó đang chơi cho tuyển Vĩnh Long ‘dụ” Kiệt xuống vùng đất Chín Rồng.

Sau 1 năm tập luyện ở đội trẻ Vĩnh Long với phong cách bắt bóng nhanh nhẹn, quan sát, phán đoán, xử lý kỹ thuật bóng bằng chân khá tốt và phát bóng có điểm rơi rất chuẩn, vì thế Ngô Hoàng Kiệt được HLV trưởng đội Quân khu 9 Dương Thu (sau này là phóng viên thể thao tại Vĩnh Long và hiện là CTV Báo Thanh Niên) gọi anh về tham dự Giải bóng đá toàn Quân (Quân đội Nhân dân Việt Nam) năm 1989 cùng với các cầu thủ trẻ Vĩnh Long: Nguyễn Thanh Sơn (hiện là HLV đội Becamex Bình Dương), Nguyễn Minh Cảnh, Lê Quốc Văn (hiện là HLV đội Vĩnh Long), Phạm Kiên Cường, Nguyễn Phát Tấn,... Chiếc Huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp thể thao của Hoàng Kiệt tại giải đấu này, với chiến tích tuyệt vời khi anh chỉ để lọt lưới 1 bàn duy nhất trong trận thắng đội Quân khu 7 (3-1).

Sau khi kết thúc giải đấu đó, Ngô Hoàng Kiệt chính thức có tên trong danh sách đội tuyển Vĩnh Long thi đấu giải A2 toàn quốc (nay là hạng Nhất quốc gia) và góp công đưa đội Vĩnh Long vô địch hạng Nhì 1995, lên hạng Nhất quốc gia 1997 (nay là V-League), sau khi thắng Hải Phòng 1-0. Ngoài ra, năm 1996, Hoàng Kiệt được hợp đồng cho mượn về đội Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn thi đấu giải Nhì quốc gia (khi đó đội lên hạng phải nghỉ 1 năm mới thi đấu). Tại giải hạng Nhì quốc gia 1998, trận bán kết Vĩnh Long thắng Kiên Giang 1-0, giành quyền dự Giải Mùa Xuân 1999 và hạng Nhất QG 1999-2000.

Hoàng Kiệt nhớ lại “Dù chỉ thi đấu cho Vĩnh Long và khá lận đận trong chuyện lên xuống hạng nhưng đó là khoảng thời gian tôi được nhiều người yêu mến và đã có CLB mạnh ở TP.HCM đề nghị tôi về đầu quân. Nhưng tôi vẫn ở lại để cống hiến. Tôi không ngờ sự cố năm 2000 đã khiến cho hình ảnh của tôi và đội bóng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự nghiệp của tôi vốn ít có duyên ở những giải đấu lớn mà lại bị tì vết như vậy khiến tôi cảm thấy ân hận và hối tiếc vô cùng. Chỉ mong cầu thủ bây giờ, nhất là vị trí thủ môn như tôi cần phải thật tỉnh táo trên sân cỏ”

Sau khi chia tay Vĩnh Long, Hoàng Kiệt cùng vợ là cựu VĐV đội bóng chuyền nữ Truyền hình Vĩnh Long- Trần Thị Diệp Hoàn đã dẫn 2 đứa con trai (sinh năm 1994, 2000) lên TP.HCM sinh sống, nhờ người thân giới thiệu vào làm tại Nhà hàng Sinh Đôi. Ngoài việc phụ bàn, Ngô Hoàng Kiệt đi học để lấy bằng lái xe và sau này vận chuyển thực phẩm, còn vợ anh làm kế toán cùng nhà hàng.

Cuộc sống tạm ổn để anh chị chăm sóc con cái ăn học thành công, thời gian rảnh anh ra sân bóng trong màu áo đội Cựu Sinh viên TP.HCM- dưới sự dẫn dắt của HLV Minh Nhí (cựu danh thủ Hải Quan) xuyên suốt 2 năm dài. Đến năm 2012 Hoàng Kiệt buộc lòng phải bỏ việc đang làm về quê nhà Đồng Tháp, lo cho cha mẹ già bởi không có người chăm sóc. Trong khi vợ anh vẫn sống tại TP.HCM dần dần sự thiếu thông hiểu nhau giữa đôi bên dẫn đến việc anh chia tay với vợ

Sau khi cha, mẹ qua đời, với cuộc sống độc thân, anh mở quán cà phê nhỏ tại nhà mang tên anh- Hoàng Kiệt, nằm cặp với đường ĐT 848. Ngoài ra, anh còn tự tay vun trồng cho mãnh vườn nhà gần 1.000m2 hiện trồng dừa, xoài. Trong thời gian gần đây, thỉnh thoảng anh đã trở lại sân cỏ với những trận đấu họp mặt, hoặc thi đấu thiện nguyện tại Vĩnh Long. Năm 2018, 2019, Ngô Hoàng Kiệt đã “xỏ găng” để ra sân trong màu áo đội Lão tướng Đồng Tháp 2 (TX Hồng Ngự) và giúp đội bóng này đoạt 2 chiếc cúp vô địch hai năm liền, cũng như 2 lần giành giải Thủ môn xuất sắc.

Hoàng Kiệt nói "Cuộc sống hiện tại với tôi rất nhẹ nhàng, thư thái. Bóng đá đã cho tôi nhiều thứ nhưng cũng lấy đi của tôi gần như tất cả nên niềm đam mê của tôi cũng bị dập tắt. Dù nhiều anh em bạn bè muốn tôi làm công tác huấn luyện thủ môn và sẵn sàng tạo điều kiện, nhưng tôi rất cảm ơn tấm lòng này. Tôi chọn cho mình một góc khuất, kiếm sống vừa đủ và vui với mảnh vườn của mình.."
 

- Quảng cáo -

Bên trên