TP.HCM ô nhiễm mù giăng kín: Nhà máy nhiệt điện góp phần

anlacphat

Thành viên mới
Những nhà máy nhiệt điện than khu vực đầu nguồn gió TP.HCM cũng góp mặt vào nguy cơ gây ô nhiễm cho thành phố này.
TP.HCM vừa công bố nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM10, PM2.5, CO, SO2... bị vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần, đe dọa sức khỏe người dân tại TP.HCM trong những ngày qua.
Theo đó, hàng loạt những nguyên nhân được đưa ra như do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu; nền nhiệt độ thấp có mưa, độ ẩm không khí cao... Hiện tượng mù gây ô nhiễm không khí còn được giải thích là xảy ra định kỳ, đây gọi là hiện tượng mù quang hóa.

Bình luận về hiện tượng trên, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) cho rằng, chỉ dẫn những nguyên nhân của Sở TN-MT TP.HCM là chưa đủ.
Theo ông, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ô nhiễm của TP.HCM là bị ảnh hưởng từ khí thải giao thông (tỉ lệ gây ô nhiễm của khí thải giao thông chiếm 55-60% nguyên nhân gây ô nhiễm), khí thải công nghiệp nói chung chiếm 30- 35%, còn lại là các nguồn thải từ gia đình, các hoạt động xây dựng.
Trong đó các hoạt động xây dựng phát triển mạnh, khói bụi từ công trình, xe vận chuyển là yếu tố không nhỏ đóng góp vào nguyên nhân gây ô nhiễm của thành phố.
Còn ở khí thải công nghiệp, vị chuyên gia cũng cảnh báo, khói bụi, khí thải của những nhà máy nhiệt điện than khu vực đầu nguồn gió TP.HCM cũng góp mặt vào nguy cơ gây ô nhiễm cho thành phố này.
Vị chuyên gia cho biết, nhà máy nhiệt điện trực tiếp do TP.HCM quản lý hiện chỉ có nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, tuy nhiên, xung quanh TP.HCM thời gian qua được cảnh báo với sự bủa vây của hàng loạt những nhà máy nhiệt điện ở các vùng lân cận, khu vực ĐBSCL.
Nếu những dự án này sử dụng công nghệ Trung Quốc thì dù có sử dụng hệ thống xử lý chất thải hiện đại đến đâu đi nữa, cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
Những chất thải phát sinh từ hoạt động này chủ yếu sẽ là bụi, thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp, chất NOx, SO2… sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Với khả năng phát thải từ vài ki-lô-mét tới vài chục ki-lô-mét thì nguồn tro xỉ xả thải từ các nhà máy nhiệt điện than hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới môi trường TP.HCM. Tùy vào mức độ xả thải nhiều hay ít mà mức độ ảnh hưởng cũng nặng nhẹ khác nhau.
Đáng chú ý, với những nhà máy nằm ngay hướng đầu nguồn gió Tây Nam thổi về TPHCM nên sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường sống người dân TP.
"Vị trí các nhà máy nhiệt điện than cách TP.HCM tới hàng trăm cây số, nhưng sức ảnh hưởng vẫn có thể xảy ra, chỉ là ở mức độ nặng nhẹ khác nhau mà thôi.
Ví dụ như cháy rừng ở Indonesia hay ô nhiễm môi trường trên thế giới Việt Nam cũng vẫn bị ảnh hưởng thì việc bị ảnh hưởng từ các nhà máy nhiệt điện là khó tránh", PGS Phùng Chí Sỹ cho biết.
Vị chuyên gia nói thêm, dù các nhà máy nhiệt điện than chưa phải là nguyên nhân gây ô nhiễm chính cho môi trường TP.HCM, nhưng TP.HCM cũng phải lưu ý bởi những tác hại từ nguồn ô nhiễm này tới môi trường và sức khỏe con người là rất đáng lo ngại. Nhất là đối với những bệnh hô hấp, tim mạch, các bệnh mạch não...
Từ những nguyên nhân được chỉ ra, vị chuyên gia cho rằng TP.HCM muốn ứng phó với thực trạng này thì trước hết phải nhìn nhận thẳng vào từng nguyên nhân để đưa ra từng giải pháp cụ thể.
Theo đó, khói bụi giao thông được coi là nguyên nhân chính thì TP.HCM phải có giải pháp về giao thông trước.
Ví dụ như hạn chế xe cũ lưu thông ngoài đường, kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn phát thải của xe nhập mới. Đường xá phải được cải thiện, tăng cường xe công cộng, giảm phương tiện cá nhân, chuyển đổi nhiên liệu, tăng trồng cây xanh...
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng phải có bài toán với tình trạng ùn tắc giao thông, ùn tắc càng nhiều ô nhiễm càng lớn.
 

- Quảng cáo -

Bên trên